Hình Tượng - Hoa Viên An Bình Viên

Hình Tượng

Hình Tượng

ANBINHVIEN.VN – “Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó…” – Xuất Ê-díp-tô ký 20:5. Đây là một trong mười điều răn của Đức Chúa Trời được chép trong Kinh Thánh. Có rất nhiều câu Kinh Thánh khác được diễn đạt qua điều răn nầy.

Điều răn này xuất phát từ bối cảnh khi dân Israen bị làm nô lệ trong xứ Ê-díp-tô, được Đức Chúa Trời giải cứu và dẫn đưa vào xứ “đượm sữa và mật”. Suốt 400 năm làm nô lệ, họ sống chung với đất nước thờ lạy hình tượng tà thần. Bây giờ họ được Đức Chúa Trời giải thoát, họ sẽ vào một xứ sở mới là xứ của dân Ca-na-an, cũng là xứ thờ cúng hình tượng tà thần.

Để có thể nhận hưởng phước hạnh trong nơi mới, Đức Chúa trời cấm họ theo các thói tục của dân bản xứ. Một trong những điều cấm là: “Chớ quì lạy trước các hình tượng…”.

Ngày nay, khi các Cơ Đốc nhân trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều tránh xa những hình tượng, thậm chí, có người khi đứng chụp hình, họ cũng không muốn có hình tượng nào được thu vào tấm hình đó.

Chúng ta cần suy xét hai khía cạnh của hình tượng. Hình tượng dùng để thờ lạy trong các chùa, đình, am, miếu, và hình tượng dùng để trang trí, xem như một tác phẩm nghệ thuật của khoa điêu khắc. Điều quan trọng là động cơ, mục đích được chủ nhân dùng là gì!

Ngày 05 tháng 08 năm 2019, có lễ khánh thành Hoa viên Tin Lành An Bình Viên, nhiều người đã thắc mắc khi nhìn thấy 2 tượng thiên sứ. An Bình Viên sử dụng 2 tượng thiên sứ này tại hai tiểu cảnh với hai mục đích chính:

1/ Vật điêu khắc dùng trang trí cho tiểu cảnh, tạo điểm nhấn trong Hoa Viên. Nó không có một quyền lực tâm linh nào. Nó không thể ban phước hay giáng họa cho ai, bởi vì nó được chế tác từ Composite hoặc từ đá

2/ Giải thích và minh họa những câu Kinh Thánh đi kèm, để người xem dễ hiểu. Phía dưới bức tượng ghi kèm câu Kinh Thánh có liên quan đến Hoa viên Tin Lành An Bình Viên.

Như vậy, Hoa viên Tin lành An Bình Viên không vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Tương tự như vậy, cây thập tự của Chúa Giê-xu, cũng là một loại hình tượng, được hầu hết các nhà thờ, nơi thờ phượng Chúa, của các hệ phái Tin Lành khắp thế giới đều dành một nơi trang trọng nhất để đặt cây thập tự. Nhưng, các hệ phái Tin Lành không thờ phượng cây thập tự đó, mà thờ phượng Đức Chúa Trời không hình, không tượng.

Cây thập tự chỉ là một biểu tượng, một biểu trưng cho tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giê-xu cho nhân loại, nhắc nhở cho mọi người tin về sự thương khó, đau đớn của Ngài dành cho chính họ. Hình ảnh cây Thập Tự ấy được biến thể tại các bịnh viện, tổ chức Hồng Thập Tự của LHQ, trên các xe cấp cứu…

Chúng ta cần suy xét một cách chuẩn mực, và quân bình, để vừa có thể làm những điều Kinh Thánh không cấm, vừa không rơi vào suy nghĩ cực đoan.

Ban Biên tập