ĐÁM GIỖ - Hoa Viên An Bình Viên

ĐÁM GIỖ

ĐÁM GIỖ

Khoảng thời gian này (từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2022) sẽ có nhiều người VN tổ chức đám giỗ cho người thân qua đời trong đại dịch Covid-19 năm 2021. Có một tín hữu điện thoại nhờ tôi hướng dẫn làm “đám giỗ” cho người mẹ giáp một năm qua đời, hiện lưu giữ cốt tại Hoa Viên Tin Lành An Bình Viên. Tôi nói rằng: “Người theo Chúa không làm đám giỗ. Gia đình hãy liên hệ với MS quản nhiệm để được khải đạo kỹ hơn”.

Trong khi chờ đợi quý MS quản nhiệm tư vấn cho các tín hữu, tôi viết bài này theo quan điểm cá nhân dựa vào Kinh Thánh để làm sáng tỏ những điều, mà các tín hữu chưa được tỏ tường.
QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Bao đời nay, người VN có phong tục tập quán làm đám giỗ cho người thân đã qua đời và tin rằng người thân của họ sẽ về dự đám giỗ này cùng con cháu. Khi mới chết, làm đám “mở cửa mã” sau 3 ngày. Họ rước thầy cúng, mâm cao cổ đầy, tiệc tùng, cúng bái rất linh đình. Bởi họ tin rằng, người thân khi mất 3 ngày phải “mở cửa mã” để vong hồn người chết được siêu thăng nơi tịnh độ. Đây là tục lệ của người Trung Hoa du nhập vào VN trong thời kỳ đô hộ 1000 năm ở VN. Ngay cả giáo lý của Đức Phật Thích Ca cũng không có lễ “mở cửa mã”. Kinh Thánh cũng không dạy điều này.
Tiếp đến là làm lễ “đầu thất” là 7 ngày đầu sau khi chết. Mọi người đều tin rằng vào ngày “đầu thất”, linh hồn người chết sẽ trở về nhà. Tiếp theo là làm “tuần 49 ngày”, tức là 7 lần “đầu thất” (7×7). Bởi vì tin rằng: Nếu 7 ngày kết thúc vẫn chưa tìm được cơ duyên chuyển sinh, hóa kiếp, thì tiếp tục đợi 7 ngày nữa, cứ như vậy trong vòng 49 ngày. Do vậy trong giai đoạn này cần phải cúng lễ siêu độ cho người chết. Phật giáo chính thống cũng không dạy dỗ như vậy. Kinh Thánh cũng không dạy điều này.
Lễ cúng 100 ngày còn được gọi là lễ “thôi khóc”. Theo quan niệm của người xưa thì trong khoảng thời gian 100 ngày kể từ người thân nhắm mắt ra đi. Linh hồn của người chết vẫn còn phảng phất và luẩn quẩn đâu đó trong nhà. Để linh hồn của người mất đi ra thanh thản và sớm tìm nơi an nghỉ ở chín suối. Do đó con cháu sẽ tiến hành lễ cúng này để linh hồn người mất sớm an nghỉ. Kinh Thánh cũng không dạy điều này.
Cuối cùng là lễ cúng giỗ hay đám giỗ. Là ngày lễ kỷ niệm thời điểm người thân qua đời được 1 năm. Lễ này được tổ chức vào ngày người ấy còn sống (Ví dụ: Chết ngày 20, thì phải tổ chức cúng giỗ vào ngày 19). Được xem là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót đối với người thân đã mất. Đồng thời, nó còn mang ý nghĩa thể hiện đạo hiếu thương quý, tôn thờ với tổ tiên.
Người chết rồi làm sao cảm nhận lòng yêu thương, quý trọng, chung thủy của người sống? Người chết rồi làm sao đánh giá mức độ hiếu thảo của con cháu?
Bao đời nay, người Việt Nam không hề có lời giải thích đích thực nào về những việc họ tin. Chỉ là “Xưa bày nay bắt chước”. Không có sách vỡ nào chỉ dẫn một cách hàn lâm, đáng tin cậy cả. Nếu có sách, chẳng qua là nhãm nhí, lạm dụng lòng mê tín của người Việt Nam để thủ lợi mà thôi. Hầu hết những lễ này đều xuất phát từ người Trung Hoa phong kiến ngày xưa.
Những điều nêu trên hoàn toàn không phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh.
NHỮNG ĐIỀU KINH THÁNH DẠY
1. Sách Truyền Đạo 12:7. “Và tro bụi trở về đất như nguyên thủy, Còn thần linh trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó”. Không hề có chuyện “mở cửa mã để vong hồn người chết được siêu thăng nơi Tịnh độ”. Không hề có chuyện “chưa tìm được cơ duyên chuyển sinh, hóa kiếp”. Không hề có chuyện người đã chết rồi mà còn “lãng vãng, quanh quẩn trong nhà”.
2. Sách Luca 16:23. “Người giàu nơi âm phủ bị đau đớn, ngước mắt lên thấy Áp-ra-ham ở xa xa và La-xa-rơ ở trong lòng người”. Người không tin Chúa, khi chết sẽ bị sống ở nơi âm phủ đau đớn, chờ ngày đoán xét. Người đã tin Chúa, khi chết thì được sống ở nơi Paradi với Chúa Giê-xu.
3. Sách Luca 23:43. “Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi.”.
4. Giăng 14:3. “Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”.
Những câu Kinh Thánh trên đã nói một cách rõ ràng về sự chết của một người. Chết là chấm dứt cuộc đời nơi trần gian thể xác, vật lý, nhưng bước vào một đời sống khác trong thể thuộc linh. Sau khi chết, loài người sẽ có cuộc sống đời đời một trong hai nơi: (1) Hỏa ngục đau đớn đời đời, dành cho những người không tin Chúa Giê-xu khi còn sống. (2) Hoặc Thiên đàng phước hạnh đời đời dành cho những người đã tin Chúa Giê-xu trước khi chết. Không hề có một nơi thứ 3 là “ngục luyện tội” do Công Giáo La mã giảng dạy.
Vì thế, anh chị em tín hữu đừng bị lôi kéo bởi những chuyện truyền khẩu của những kẻ vô tín, mà hoang mang, bối rối, bất an. Hãy tin cậy nơi lời của Chúa trong Kinh Thánh.
VĂN HÓA TỐT ĐẸP CỦA NGƯỜI VN
Người Việt Nam có những ca dao, tục ngữ thâm thúy, dạy cách ứng xử với người đang sống, hoặc khi người ấy đã chết:
“Uống nước nhớ nguồn”,
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,
“Uống nước nhớ kẻ đào giếng”,
“Con đi xa cách muôn nơi,
Công cha nghĩa mẹ đời đời không quên”….
“Nhớ” là một hành vi đạo đức. “Nhớ” cũng là biết ơn về ai đó có mối quan hệ với ta. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tưởng nhớ đến cha mẹ là lời dạy phù hợp với Kinh Thánh.
Nếu có ai đó đã bảo rằng: Người Tin Lành đã tin Chúa rồi thì không cần “tưởng nhớ” hay “tưởng niệm” người đã chết, dầu là tổ tiên, ông bà hay cha mẹ. Câu nói này là quá cực đoan, là “thuộc linh quá mấu”, tạo sự lập dị quá khích với những người chưa tin Chúa, thậm chí là giả hình.
“Tưởng nhớ” hay “tưởng niệm” là một tình cảm rất thiêng liêng, rất tự nhiên trong cuộc sống, là một phần trong cuộc sống, mà Chúa đã ban cho mỗi con người, bất luận đã tin Chúa hay chưa tin Chúa. Chỉ có loài vật mới không “tưởng niệm” hay “tưởng nhớ’ nhau thôi.
Kinh Thánh không bao giờ phá vỡ, hay triệt tiêu văn hóa của một dân tộc. Kinh Thánh tôn trọng văn hóa của một dân tộc. Kinh Thánh chống lại những hủ tục, man rợ, mê tín, dị đoan, phù chú, tà thuật, những hành vi ngược lại đạo đức và lương tri của con người.
Truyền Đạo 12:1. “Trong tuổi thanh xuân, Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của con…”,
Truyền Đạo 12:6. “Lại hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt Và chén vàng bể…”
Giô-na 2:8. “Khi linh hồn con mòn mỏi trong con, thì con nhớ đến Đức Giê-hô-va”.
Ma-thi-ơ 26:6-13, Mác 14:3-9. “…9 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người”.
1 Cô-rinh-tô 11:23-25. Trước khi chịu chết trên Thập Tự, trong bữa ăn tối. “Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta”.
Mỗi đầu tháng các tín hữu Tin Lành đều được dự tiệc thánh này một lần, để “nhớ” Chúa Giê-xu, biết ơn Đấng đã chết thay cho mình.
Tưởng nhớ người thân đã qua đời là không sai với Kinh Thánh. Cần tránh hình thức tổ chức rườm rà, khoa trương, tốn kém, hủ tục, mang tính mê tín, không phù hợp với niềm tin Cơ Đốc. Ngoài ra, cần phải hiểu rằng, tổ chức một chương trình tưởng nhớ người thân không phải là thước đo lòng hiếu thảo. Hiếu thảo với cha mẹ phải được thể hiện lúc cha mẹ còn sống. Đó mới làm đúng theo lời Chúa dạy.
Vậy thì, nếu anh chị em có khả năng về tài chánh, có thể tổ chức một bữa ăn thân mật trong gia đình nhỏ, hoặc mở rộng trong gia tộc lớn, để nhắc nhớ về cha/mẹ của mình. Là cơ hội ôn lại những ký ức, những kỷ niệm, những hành động đức tin, những gian khổ của cha/mẹ đã vượt qua để nuôi dạy anh chị em mình khôn lớn. Đồng thời cảm tạ Chúa đã cho mình được sinh ra bởi cha/mẹ có lòng tin nơi Chúa. Đời sống của cha/mẹ là tấm gương, là động lực để mình có một cuộc sống Cơ Đốc tốt đẹp trước mặt Chúa và mọi người.
Bữa ăn cũng là cơ hội để anh chị em truyền giảng khéo léo về Chúa Giê-xu với các khách mời trong gia tộc, với hàng xóm láng giềng, hoặc bạn bè thân thiết.
Nếu anh chị em không làm gì cả, cũng chẳng sao.
Cô-lô-se 3:16-17. “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời. 17 Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn